Lễ hội Cầu Mường là một trong những lễ hội tiêu biểu của người Tày ở Đà Bắc. Lễ hội Cầu Mường diễn ra từ khi các dòng họ của người Tày bắt đầu về đây sinh sống và lập nghiệp. Lễ hội thường được tổ chức tại Mường Chiềng - Trung tâm cụm 7 xã vùng cao huyện Đà Bắc với 90% dân số của xã là người Tày.
Cùng với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, đồng bào dân tộc Tày ở Đà Bắc có nghề dệt truyền thống khá phát triển với các sản phẩm chủ yếu như chăn, gối, khăn, trang phục dân tộc.
Người Tày có hai kiểu dệt chính: dệt trơn và dệt có hoa văn (dệt thổ cẩm). Các sản phẩm dệt trơn chủ yếu được dùng để làm chăn, gối; các sản phẩm dệt thổ cẩm dùng để trang trí trang phục truyền thống, khăn đội đầu và một số vật dụng khác.
Một người phụ nữ dân tộc Tày Đà Bắc bên khung cửi,
Phụ nữ dân tộc Tày ở Hòa Bình, mà bộ phận chiếm tỉ lệ đông hơn cả là phụ nữ Tày – Thái, sống tập trung chủ yếu ở huyện Đà Bắc, có trang phục truyền thống khá giản dị, song sự kết hợp hài hòa giữa màu sắc và các chi tiết trang trí khéo léo, tinh tế đã làm nên nét đặc sắc cho cho bộ trang phục dân tộc của phụ nữ Tày nơi đây.
Phụ nữ dân tộc Tày, huyện Đà Bắc trong trang phục dân tộc tại một lễ hội của huyện
Người Tày có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, vào khoảng cuối thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và là một trong những chủ nhân đầu tiên của nước Việt cổ. Người Tày cư trú chủ yếu ở vùng thung lũng các tỉnh như: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
Người Tày đến Hòa Bình khoảng cuối thế kỷ XIX, cư trú chủ yếu tại huyện Đà Bắc, chiếm khoảng 40% dân số toàn huyện, trong đó tập trung nhất ở các xã vùng cao như: Tân Minh, Tân Pheo, Trung Thành, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Giáp Đắt … Về nguồn gốc, người Tày ở huyện Đà Bắc được xem là có nhiều nét tương đồng với người Thái Trắng, du cư từ các tỉnh Lai châu, Sơn La xuống. Một số ý kiến khác cho rằng, người Tày ở Hòa Bình gồm 02 bộ phận. Bộ phận đông nhất là người Tày – Thái như đã nói ở trên, bộ phận còn lại là người Tày từ các tỉnh của khu Việt Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên …) tới.
Trong đời sống của bất cứ đồng bào dân tộc nào, cưới hỏi luôn là một trong những phong tục gắn liền với nét đẹp văn hóa truyền thống, là nơi hội tụ những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Giống như nhiều dân tộc khác cùng sinh sống trên mảnh đất Hòa Bình, phong tục tổ chức đám cưới cổ truyền của người Tày ở Đà Bắc chứa đựng nhiều nét văn hóa vô cùng độc đáo, đặc sắc.
Đám cưới cổ truyền của người Tày Đà Bắc xưa kia được tổ chức khá cầu kỳ với 05 lễ chính: lễ dạm tiếng, lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi, lễ xin ngày cưới và lễ cưới.
Ảnh nhà trai rước dâu về nhà chồng trong đám cưới cổ truyền của người Tày